THÔNG TƯ SỐ 10/2014/TT-BTC MỨC XỬ PHẠT VI PHẠM VỀ HÓA ĐƠN
THÔNG TƯ SỐ 10/2014/TT-BTC MỨC XỬ PHẠT VI PHẠM VỀ HÓA ĐƠN
Ngày 17 tháng 1 năm 2014 Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BTC quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn giá trị gia tăng:
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 10 /2014/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 2014 |
THÔNG TƯ
Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
Căn cứ Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,
Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn như sau:
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn chi tiết về các hành vi vi phạm hành chính về hoá đơn, hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hoá đơn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoá đơn.
2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng và hình thức xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
1. Mọi hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính về hóa đơn gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, khách quan, đúng thẩm quyền, đảm bảo công bằng, đúng quy định của pháp luật.
3. Việc xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm, tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng.
4. Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn khi có hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn do pháp luật quy định.
5. Một hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn chỉ bị xử phạt một lần.
6. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi đó.
7. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn hoặc vi phạm hành chính về hóa đơn nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
8. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn của tổ chức, cá nhân. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính về hóa đơn.
9. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Thông tư này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức. Đối với người nộp thuế là hộ gia đình thì áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.
10. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn bao gồm:
a) Phạt cảnh cáo, áp dụng đối với hành vi vi phạm về hoá đơn không gây hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ.
b) Phạt tiền, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm về hóa đơn là 50 triệu đồng;
Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, một số hành vi vi phạm về hoá đơn quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11 Thông tư này còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Khi phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về hóa đơn, mức phạt cụ thể đối với một hành vi không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức tối đa.
Trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình tăng thêm hoặc mức trung bình giảm bớt. Mức trung bình tăng thêm được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối đa và mức trung bình. Mức trung bình giảm bớt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức trung bình.
Trường hợp có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng mức tối đa của khung phạt tiền. Trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì bù trừ theo nguyên tắc một tình tiết tăng nặng trừ cho một tình tiết giảm nhẹ.
11. Trường hợp các hành vi vi phạm về hoá đơn dẫn đến hành vi khai sai làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, được hoàn hoặc dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 3 năm 2014.